Ứng dụng kỹ thuật mới đo cung lượng tim bằng phương pháp pha loãng nhiệt qua phổi

Khoa Hồi sức Cấp cứu bệnh viện Nhi đồng 1, nhận 1 trường hợp em Đ. T. K. Ng.  14 tuổi nữ, ngụ tại Hóc Môn, được chuyển đến bệnh viện Nhi đồng 1 với chẩn đoán sốt xuất huyết độ III ngày 5. Khai thác bệnh sử ghi nhận em sốt cao 4 ngày liên tục, đến sáng ngày thứ 5  của bệnh em bớt sốt, lừ đừ nằm 1 chỗ không chơi, than đau bụng, chóng mặt, ói 1 ra dịch nâu đen, tay chân lạnh, than mệt, được người nhà đưa đến nhập viện địa phương, chẩn đoán sốt xuất huyết độ III ngày 5, được truyền dịch chống sốc theo phác đồ, tình trạng diến tiến không thuận lợi, tái sốc nên được chuyển bệnh viện Nhi đồng 1.

Tại đây, ghi nhận em bứt rứt, môi tái, mạch nhẹ, chi mát, huyết áp kẹp, tổng trạng trẻ bị “dư cân”, thay vì khoảng 38-40kg ở độ tuổi này, thì cân trẻ hiện tại là 63 kg, em được chẩn đoán sốt xuất huyết độ III ngày 5, tái sốc và suy hô hấp và được xử trí thở oxy, truyền dịch chống sốc theo phác đồ và dựa theo cân nặng điều chỉnh thích hợp để tránh quá tải dịch. Đồng thời trẻ được đo và theo dõi áp lực tĩnh mạch trung ương, huyết áp động mạch xâm lấn. Đặc biệt trẻ được áp dụng kỹ thuật mới đo cung lượng tim theo phương pháp PiCCO dựa trên nguyên lý pha loãng nhiệt qua phổi và phân tích đường cong huyết áp động mạch xâm lấn, từ đó được xử lý vi tính cho ra các thông số huyết động cần thiết như cung lượng tim, kháng lực mạch máu hệ thống.
Ưu điểm của phương pháp này là không cần sử dụng catheter đặt vào buồng tim phải và động mạch phổi – rất khó thực hiện tại khoa cấp cứu hay hồi sức, mà chỉ cần đặt catheter tĩnh mạch trung tâm và động mạch quay (trường hợp không có nguy cơ chảy máu có thể đặt ở động mạch đùi, động mạch cảnh trong) là các kỹ thuật “trong tầm với” của các bác sĩ cấp cứu hay hồi sức. Phương pháp này giúp đo liên tục cung lượng tim của bệnh nhân, phân suất tống máu toàn phần, thể tích nhát bóp, thể tích máu toàn phần cuối tâm trương, kháng lực mạch máu hệ thống,... từ đó hướng dẫn truyền dịch, truyền thuốc thuốc vận mạch thích hợp. Đến nay sau hơn 3 ngày điều trị tình trạng của Ng. đã ổn định.

Như vậy, ngoài những kỹ thuật đo và theo dõi áp lực tĩnh mạch trung ương, huyết áp động mạch xâm lấn trong hồi sức sốc ở trẻ em, kỹ thuật đo cung lượng tim liên tục giúp các bác sĩ lâm sàng có thêm một công cụ theo dõi huyết động một cách khách quan để có cơ sở quyết định xử trí thích hợp cho từng tình huống lâm sàng cụ thể, giúp cứu sống bệnh nhân sốc nặng.

 
Minh Tiến (Bệnh viện nhi đồng 1)

Các bài viết liên quan

" TẤT CẢ CÁC SẢN PHẨM ĐƯỢC NHẬP KHẨU CHíNH HÃNG"