Chấn thương sọ não là một chấn thương nặng do ngoại lực tác động vào hộp sọ theo các cơ chế khác nhau, di chứng tàn phế nặng nề, tỷ lệ tử vong cao. Nguyên nhân chủ yếu gây chấn thương sọ não là do tai nạn giao thông, số còn lại là do tai nạn trong lao động và trong sinh hoạt, vui chơi giải trí, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, nhất là ở độ tuổi dưới 45.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương nằm bên trục đường 5, giữa Hà Nội và Hải Phòng, thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp tai nạn giao thông trên tuyến đường huyết mạch này và từ các nơi khác trong và ngoài tỉnh gửi đến. Số bệnh nhân bị chấn thương sọ não vào viện cấp cứu điều trị khoảng trên 3000 ca mỗi năm, tỉ lệ chấn thương nặng khoảng 15%, và đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Số bệnh nhân nặng phải chuyển viện rất khó khăn và nguy hiểm do tính đặc thù của bệnh. Với bệnh nhân chấn thương sọ não nặng, mức độ nặng của tổn thương có xu hướng tăng lên cùng với tốc độ di chuyển và va đập, di chứng tàn phế nặng nề, tỷ lệ tử vong còn cao (trên 40%).
Ứng dụng máy đo áp lực nội sọ liên tục đã cứu sống nhiều bệnh nhân tai nạn giao thông.
Từ thực tế đó, trong 2 năm 2011 – 2012, Thạc sĩ y khoa Nguyễn Khải Hoàn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương) và các cộng sự đã đã tiến hành triển khai nghiên cứu đề tài cấp tỉnh “Ứng dụng máy đo áp lực nội sọ liên tục để đánh giá hiệu quả điều trị tăng áp lực nội sọ dưới tác dụng của Manitol và Thiopental ở bệnh nhân chấn thương sọ não nặng”, với mong mỏi triển khai kỹ thuật cao mới tại đơn vị nhằm cải thiện chất lượng và hiệu quả điều trị cho nhóm bệnh nhân này.
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đề tài đã được trang bị máy đo áp lực nội sọ hiện đại nhất hiện nay và thiết bị kèm theo đúng chủng loại; đề tài đã đào tạo được 07 bác sĩ tại khoa Hồi sức tích cực và chống độc thực hiện thành thạo kỹ thuật; 02 phẫu thuật viên thần kinh đặt thiết bị đo áp lực nội sọ liên tục kèm dẫn lưu não thất. Hiện tại các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc đều có thể thực hiện được kỹ thuật này và sử dụng thành thạo máy đo áp lực nội sọ liên tục và đã có một số kinh nghiệm bước đầu trong điều trị cho bệnh nhân chấn thương sọ não nặng.
Từ tháng 6 năm 2011 đến tháng 6 năm 2013, cùng với sự phối hợp của các chuyên gia hàng đầu trên lĩnh vực Ngoại Thần kinh và Hồi sức của bệnh viện Việt Đức, Ban chủ nhiệm đề tài đã tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật mới và lựa chọn áp dụng điều trị thành công cho 62 bệnh nhân bị chấn thương sọ não nặng được chia làm 2 nhóm. Nhóm 1 gồm 32 bệnh nhân, nhóm 2 có 30 bệnh nhân. Đối tượng nghiên cứu là những bệnh nhân chấn thương sọ não nặng chủ yếu ở độ tuổi đang sung sức lao động 18 – 40 tuổi (chiếm 66,1%). Tuổi trung niên (41 – 60) chiếm 14,5%. Bệnh nhân dưới 18 tuổi chiếm tỉ lệ ít (6,5%)… những bệnh nhân CTSN nặng ở độ tuổi lao động (từ 18 – 60 tuổi) chiếm chủ yếu (80,6%). Trên thực tế, trong thời gian gần đây, đối tượng tai nạn giao thông xảy ra ở thành phố Hải Dương rất ít, mà chủ yếu các tai nạn là xảy ra ở địa bàn các huyện thị và Quốc lộ 5, do tuyến huyện gửi lên hoặc được chuyển thẳng lên.
Trong 2 năm qua, nhờ có sự hỗ trợ của thiết bị đo áp lực nội sọ cũng như những tiến bộ mới trong Hồi sức, Gây mê và Phẫu thuật thần kinh…tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, tình trạng bệnh nhân chấn thương sọ não nặng đã được kiểm soát khá tốt, tỉ lệ tử vong và nặng xin về của nhóm nghiên cứu chỉ còn 8,1%. Tỉ lệ sống thực vật chỉ có 16,1%. Sử dụng Manitol liều 1g/kg/6h có tác dụng làm giảm áp lực nội sọ. Tác dụng này đạt tối đa tại thời điểm sau sử dụng thuốc từ 60 đến 120 phút. Áp lực nội sọ tăng dần vào giờ thứ ba, thứ tư và tới giờ thứ 5 đã gần bằng lúc trước khi truyền. Hiệu quả điều trị tăng áp lực nội sọ bằng Manitol được chứng minh rõ. Nếu kết hợp thuốc an thần, giảm đau… (Thiopental, Midazolam, Fentanyl) thì hiệu quả giảm áp lực nội sọ càng rõ ràng hơn và ổn định hơn.
Thiết bị theo dõi áp lực nội sọ liên tục đưa vào phục vụ công tác chuyên môn của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đẩy mạnh vai trò, tính chuyên sâu, tính tích cực và hiệu quả của hồi sức thần kinh ở bệnh nhân chấn thương sọ não nặng ở cấp tỉnh. Đây là sự tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực này tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương trong khi đại đa số các bệnh viện tuyến tỉnh chưa triển khai được. Ngoài việc triển khai đặt thiết bị trong nhu mô, các bác sĩ phẫu thuật thần kinh cũng đã đặt thiết bị trong não thất kèm dẫn lưu dịch não tủy, đảm bảo điều áp thích hợp trước và sau phẫu thuật. Kỹ thuật đo áp lực nội sọ liên tục đã góp phần điều trị hiệu quả bệnh nhân chấn thương sọ não nặng, làm giảm tỉ lệ tử vong và tàn phế nặng nề sau chấn thương, giảm chi phí điều trị và phục hồi chức năng sau chấn thương, kỹ thuật được thực hiện an toàn và không biến chứng.
Kết quả nghiên cứu đề tài “Ứng dụng máy đo áp lực nội sọ liên tục để đánh giá hiệu quả điều trị tăng áp lực nội sọ dưới tác dụng của Manitol và Thiopental ở bệnh nhân chấn thương sọ não nặng” đã góp phần nâng cao kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao năng lực trong điều trị chấn thương sọ não nặng cũng như thái độ xử trí cấp cứu, điều trị, chăm sóc bệnh nhân chấn thương sọ não nặng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, mở ra những hướng phát triển mới trong lĩnh vực hồi sức thần kinh cho các đối tượng bệnh khác như: Tai biến mạch não, u não, viêm não….
Ths. Nguyễn Khải Hoàn
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương
Bài đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 5/2013